Skip Menu

Trang chủ

Thư viện Video

This div will be replaced by the JW Player.
13/04/2018

TRƯỜNG THPT CẦN GIUỘC 60 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

TRƯỜNG THPT CẦN GIUỘC
60 NĂM HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lịch sử luôn đóng một vai trò quan trọng, vừa là chứng nhân vừa là động lực để thúc đẩy sự phát triển. Sáu mươi năm, thời gian đã đủ dài để sử dụng khái niệm “quá trình”. Sáu mươi năm nhắc nhở mỗi con người trong chúng ta gìn giữ, kế tục và phát huy những gì mà các thế hệ cha anh để lại. Mọi sự vật, hiện tượng trong cuộc sống này đều có cội nguồn. Lịch sử một ngôi trường, quá trình phát triển của một ngôi trường cũng không ngoại lệ và ngôi trường ấy mang một cái tên giản dị, gần gũi, thân thương ở một vùng quê lam lũ , nhọc nhằn, từng vang danh  vùng đất anh hùng qua mọi thời đại. Nơi mà nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã viết nên bài “Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc” được lưu danh cùng hậu thế. Tên gọi thân thương ấy đã khắc ghi trong lòng biết bao thế hệ học trò, thế hệ cán bộ, giáo viên dù có ở nơi đâu, đang làm ăn sinh sống hay công tác nơi nào,… không một ai có thể quên được tiếng vọng thân thương, ngân vang mãi trong tâm thức và tiềm thức: Trường “Trung học Phổ thông Cần Giuộc”.
Lịch sử mở ra một thời điểm có tên gọi, năm 1955, cả miền Nam chỉ có 3 trường trung học là Pétrus Ký, Mỹ Tho, Cần Thơ. Huyện Cần Giuộc lúc bấy giờ còn thuộc tỉnh Chợ Lớn, chưa có trường trung học. Vì tương lai của con em Cần Giuộc, một số thân hào, nhân sĩ, nhà hảo tâm có tâm huyết đã vận động xin mở trường. Vào tháng 11 năm 1955, trường Trung học Cần Giuộc -Trung học Đệ nhất cấp- đã được hình thành, đáp ứng nhu cầu, khát vọng của nhân dân địa phương. Trường vinh dự là trường trung học cấp huyện đầu tiên ở miền Nam, cùng năm với trường Trung học Tân An ( của tỉnh).
            Khoá học đầu tiên của trường chỉ có 105 học sinh, những học sinh này không chỉ quê ở Cần Giuộc mà còn ở Cần Đước, Bình Chánh, Nhà Bè và một số nơi khác, đã bắt đầu nhập học vào hai lớp Đệ thất (lớp 6 bây giờ) với tên gọi rất thân thương B1, B2. Từ đó trường Trung học Cần Giuộc cùng các trường trung học khác trong tỉnh sánh vai nhau tiến bước trên hành trình “Vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Chúng ta không thể nào quên những hình ảnh ban đầu ngày khai giảng cũng như các năm học sau đó với sự chăm lo hết sức nhiệt tình và ưu ái của thầy Hiệu trưởng đầu tiên, thầy Trần Văn Qưới, cùng với các thầy như thầy Đinh Văn Lô, thầy Đoàn Văn Nghĩa, thầy Lê Văn Đức, thầy Hà Khải Hoàn, thầy Hồ Công Tước, thầy Lê Văn Hữu,…
Những hình ảnh thân thương ban đầu ấy như ngọn lửa sưởi ấm cả ngôi trường trung học nhỏ bé đầu tiên của huyện Cần Giuộc, đã lan toả và rực sáng trong bối cảnh thăng trầm của đất nước. Trường Trung học Cần Giuộc đã không ngừng phát triển về số lượng và chất lượng. Từ hai lớp ban đầu, mỗi năm trường mở rộng thêm 3-4 lớp. Đến năm 1962, trường đã có 14 lớp Đệ nhất cấp với 764 học sinh. Năm học 1962-1963 trường bắt đầu có Đệ nhị cấp (cấp 3). Từ năm 1975 do số học sinh tăng lên nhiều lần và chủ trương tách cấp của ngành, nên trường tách khối cấp 2 thành trường cấp 2 Nguyễn Thị Bảy. Thế là ngôi trường ban đầu trở thành trường cấp 3 Cần Giuộc, sau đó là trường Trung học Phổ thông Cần Giuộc.
Năm 1985 do nhu cầu học tập của học sinh vùng hạ với các xã như Tân Tập, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Long Phụng, Đông Thạnh…, trường cấp 3 Cần Giuộc có thêm phân hiệu Rạch Núi với 2 lớp cho mỗi khối, tăng lên theo từng năm, do giáo viên trường cấp 3 Cần Giuộc được phân công về đây giảng dạy. Phân hiệu Rạch Núi là tiền đề để sau này vùng hạ Cần Giuộc thành lập trường cấp 2-3 Đông Thạnh và sau đó là trường THPT Đông Thạnh.
Năm 2000, trường được khởi công xây mới ở xã Trường Bình với diện tích 4,7 hecta. Từ năm học 2003-2004, tập thể giáo viên và học sinh của trường chính thức học tập và giảng dạy tại cơ sở mới. Cơ sở cũ chuyển thành trường THPT Bán công Cần Giuộc, sau đó cùng với việc đô thị hoá, khuôn viên trường cũ đã trở thành công viên tượng đài Nghĩa sĩ Cần Giuộc, một trong những công trình văn hoá trọng điểm đánh dấu huyện Cần Giuộc đạt đô thị loại IV vào năm 2015. Hiện nay trường THPT Cần Giuộc có quy mô lớn nhất huyện nhà, với gần 1.800 học sinh và hơn 100 cán bộ, giáo viên, công nhân viên đang theo học và công tác.
Trải qua hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, chúng ta không thể quên nhiều thế hệ giáo viên, học sinh đã góp phần gìn giữ truyền thống hiếu học, truyền thống dạy tốt - học tốt, phát huy hiệu quả đào tạo và chất lượng giáo dục của nhà trường. Tháng 12 năm 2011, trường THPT Cần Giuộc vinh dự được công nhận là trường đạt chuẩn quốc gia, giai đoạn 2011-2020.
Năm học 2014-2015 với chủ trương tạo điều kiện thuận lợi trong việc học tập cho các học sinh vùng hạ ở các xã Phước Lại, Long Hậu, Phước Vĩnh Tây,… cơ sở 2 của trường THPT Cần Giuộc được hình thành, có 5 lớp 10  được xét tuyển vào học ở trường THCS Nguyễn Thị Một. Và như phân hiệu Rạch Núi ngày nào, huyện Cần Giuộc đã trình đề án lên tỉnh để thành lập trường THCS và THPT Nguyễn Thị Một vào năm 2015, đáp ứng lòng mong mỏi cũng như nguyện vọng của cán bộ và nhân dân. Huyện Cần Giuộc đã có 3 trường THPT, 1 trường THCS & THPT và sắp tới đây sẽ có thêm 1 trường THCS & THPT nữa. Một trang sử mới sẽ bắt đầu và chúng ta kỳ vọng vào sự lớn mạnh của nền giáo dục huyện nhà, đưa ánh sáng tri thức đến gần hơn với nhân dân ở những vùng xa.
Qua 60 năm hình thành và phát triển, trường THPT Cần Giuộc luôn làm tròn trách nhiệm được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó, trong từng thời điểm lịch sử nhất định. Những nhiệm vụ ấy luôn gắn liền với những chủ trương đúng đắn và kịp thời, góp phần không nhỏ vào việc đào tạo nhân tài cho xã hội, cho quê hương, đất nước. Trong thời đại mới, với xu hướng hội nhập và toàn cầu hoá, thầy và trò trường THPT Cần Giuộc đã và đang nỗ lực không ngừng để giữ vững, phát huy những thành quả mà các thế hệ trước đã dày công vun đắp.
Học sinh, cán bộ, giáo viên, công nhân viên trường THPT Cần Giuộc sẽ luôn tự hào về ngôi trường thân yêu của mình. Ở đó có những con người luôn hiểu rằng “sống trong đời sống cần có một tấm lòng” và hiểu rõ hơn chân giá trị của cuộc sống đích thực, càng quý yêu hơn cuộc sống này:
“Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”.
Sự sống là bất diệt, là trường tồn, là nối tiếp, là vận động, là phát triển đi lên.

Top